Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Hậu Giang tri ân người có công bằng những chính sách thiết thực, hiệu quả
03:19 PM 30/11/2023
(LĐXH)- Xác định đúng đắn những nội dung của Đảng và Nhà nước về chế độ chính sách người có công với cách mạng, những năm qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang luôn tham mưu thực hiện tốt việc giải quyết các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang, tính đến tháng 9/2023, toàn tỉnh có 36.254 người có công với cách mạng, trong đó có 12.504 liệt sĩ; 5.740 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; đặc biệt có 2.042 Mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, hiện nay còn sống 51 Mẹ và các Mẹ đều được các tổ chức, đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời.
Thời gian qua, việc thực hiện các chủ trương, quy định về người có công và thân nhân của người có công được hưởng các chính sách ưu đãi về cơ được thực hiện tốt, bảo đảm kịp thời và đúng đối tượng. Trong đó có trợ cấp, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần, chăm sóc sức khỏe, giáo dục-đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm, miễn-giảm thuế, vay vốn...
Đoàn đại biểu người có công Hậu Giang chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (tháng 9/2023)
Cụ thể, từ năm 2004 đến nay, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đã tiếp nhận 84.024 hồ sơ các loại như: trợ cấp tuất đối với thân nhân liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người có công giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến...
Qua đó, thực hiện trợ cấp mai táng phí cho người có công với cách mạng sau khi từ trần hơn 8.000 trường hợp, với số tiền trên 40 tỷ đồng. Thực hiện việc chi trả trợ cấp thường xuyên và một lần cho người có công được kịp thời, đúng người, đúng đối tượng, đúng quy định, số tiền trợ cấp hàng năm gần 200 tỷ đồng.
Ngoài các chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước theo quy định, tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các chính của tỉnh như: hỗ trợ cho hộ người có công vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công; hỗ trợ cho người có công với cách mạng trong diện nghèo 500.000 đồng/tháng. Hiện tỉnh vẫn còn 145 hộ nghèo thuộc diện người có công.
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, thông qua các chính sách hỗ trợ của Trung ương, địa phương, chương trình ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho người có công vay vốn để phát triển sản xuất, đã giải quyết cho 894 hộ được vay vốn với số tiền: 37,683 tỷ đồng nhằm góp phần hỗ trợ người có công trong diện nghèo được thoát nghèo.
Đến nay có 98,7% người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.
Quan tâm đến thân nhân, Hậu Giang đã xác nhận và quyết định cho hơn 1.000 trường hợp là con thương binh, liệt sĩ được miễn học phí và hưởng trợ cấp ưu đãi, tổng kinh phí trên 8 tỷ đồng. Cấp gần 1 triệu thẻ bảo hiểm y tế cho người có công và thân nhân của người có công; số người có công đủ điều kiện được cấp bảo hiểm ý tế, đạt tỷ lệ 100%, tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng.
Không chỉ tích cực chăm lo về các chế độ chính sách, Hậu Giang còn quan tâm đến nhà ở cho người có công và thân nhân của họ. Năm 2022, qua kết quả rà soát, toàn tỉnh có 1.888 hộ người có công và thân nhân liệt sĩ cần hỗ trợ cải thiện nhà ở (xây mới là 585 hộ; sửa chữa, cải tạo: 1.303 hộ).
Riêng năm nay, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh Hậu Giang, Thường trực Tỉnh ủy đã có chủ trương cùng Ủy ban mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh huy động từ nguồn xã hội hóa để hỗ trợ xây dựng mới hơn 1.200 căn nhà cho hộ gia đình khó khăn về nhà ở, trong đó đối tượng ưu tiên là người có công với cách mạng và gia đình chính sách.
Song song với việc thực hiện tốt chính sách với người có công, công tác quản lý, cải tạo và nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Hậu Giang đã huy động từ nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng: xây mới, sửa chữa và nâng cấp các công trình tri ân liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ tại các huyện với số tiền trên 18 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Trung ương uỷ quyền hàng năm về công tác mộ, nghĩa trang liệt sĩ….
Riêng kinh phí xây dựng nghĩa trang liệt sĩ tỉnh gần 50 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Trung ương và địa phương.
Cùng với đó, hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7 và Tết Nguyên đán, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang, các ban, sở, ngành tổ chức đoàn thăm hỏi, tặng trên 107.000 phần quà, kinh phí gần 54 tỷ đồng cho người có công với cách mạng từ nguồn kinh phí Trung ương và địa phương.
Từ năm 2004 đến nay, công tác điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe được tỉnh thực hiện đầy đủ, chu đáo cho trên 38.000 lượt người có công, với tổng kinh phí hơn 37 tỷ đồng.
Việc tổ chức đưa đoàn người có công đi tham quan thủ đô Hà Nội, vào Lăng viếng Bác xuất phát từ nguyện vọng tha thiết của người có công với cách mạng của tỉnh. Do đó, từ năm 2015, tỉnh tổ chức đưa đoàn người có công với cách mạng thăm quan thủ đô Hà Nội, vào Lăng viếng Bác.
Đến nay đã tổ chức được 10 đoàn, số lượng 370 người. Tỉnh ưu tiên cho nhóm đối tượng là: Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học suy giảm khả năng lao động từ 41% trở lên; thân nhân của liệt sĩ.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân, nhất là giáo dục cho thế hệ trẻ lòng biết ơn và tiếp tục làm tốt công tác chăm sóc người có công, đảm bảo tất cả gia đình người có công được cải thiện nhà ở.
Tổ chức thực hiện tốt và tập trung giải quyết chế độ chính sách đối với người có công, tiếp thu ý kiến phản ánh những vướng mắc để kịp thời tháo gỡ giải quyết, tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện, làm chuyển biến nhận thức trong cán bộ, đảng viên.
Quán triệt cho đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách vừa phải có tâm, vừa phải thường xuyên học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, am hiểu chủ trương chính sách về người có công. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những vụ việc tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng./.
Hồng Hà
TAG: Chăm sóc người có công pháp lệnh ưu đãi
Tin khác
Phát động Cuộc thi sáng tác ca khúc về chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp
Hội đồng hương Nam Đàn tại TPHCM trao tặng học bổng và thiết bị học tập trị giá 450 triệu đồng cho học sinh nghèo vượt khó
Bà Rịa – Vũng Tàu: 29.240 người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng
Cà Mau: Ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với 2.067 hồ sơ trong 4 tháng đầu năm
Quận Tây Hồ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và gặp mặt, giao lưu nhân chứng lịch sử tham gia kháng chiến chống Pháp
Quận Hoàn Kiếm gặp mặt tri ân các gia đình liệt sĩ, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ
Đoàn lãnh đạo tỉnh Sơn La dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng liệt sĩ
Kiên Giang: Đa dạng các chương trình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Thừa Thiên Huế triển khai Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2024 – 2030