Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Thái Bình: Những tấm gương thương binh làm kinh tế giỏi
10:39 AM 30/11/2023
(LĐXH) – Trở về với cuộc sống thường ngày, dù mang trên người nhiều thương tích do chiến tranh để lại nhưng với nghị lực, ý chí của người người lính Bộ đội Cụ Hồ năm xưa, các thương binh, bệnh binh ở tỉnh Thái Bình đã vượt khó vươn lên với nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả giúp cải thiện cuộc sống gia đình và có nhiều đóng góp cho cộng đồng xã hội.
Theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1977, chàng thanh niên Vũ Văn Tinh nhập ngũ tại Sư đoàn 9, Quân đoàn 4, đóng quân ở Tây Ninh, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Tây Nam. Ông bị thương nặng ở vùng đầu, chữa trị tại Bệnh viện miền Đông và Trạm thương binh Tiên Hưng với thương tật hạng 1/4.
Năm 1980, ông xuất ngũ trở về địa phương sinh sống. Sức khỏe suy yếu do vết thương chiến tranh để lại, cuộc sống của gia đình ông vô cùng khó khăn. Để lo cho cuộc sống của gia đình, ông đã phải làm đủ thứ nghề. Năm 1981 thương binh Vũ Văn Tinh mở cửa hàng nhỏ sửa chữa xe đạp ở thành phố Thái Bình để trang trải cuộc sống. Dần dần ông tự mày mò học thêm về cơ khí và phát triển thành cửa hàng sửa chữa xe máy. Đến năm 1993, ông mạnh dạn đầu tư nhà xưởng và xưởng của ông trở thành một trong những xưởng sửa chữa ô tô đầu tiên ở Thái Bình. Dù không được đào tạo bài bản qua trường lớp, ông Vũ Văn Tinh luôn chịu khó tìm hiểu về công nghệ ô tô để cập nhật các kiến thức phục vụ công việc sửa chữa xe tại xưởng. Xưởng sửa chữa của ông trở thành một trong những địa chỉ uy tín và hoạt động lâu nhất tại Thái Bình, với hơn 30 năm.
Thương binh Vũ Văn Tinh (áo trắng) hướng dẫn kỹ thuật cho thợ sửa chữa xe ô tô
Những năm qua, xưởng sửa chữa ô tô của thương binh Vũ Văn Tinh đã tạo việc làm cho nhiều thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh và con em của họ. Riêng giai đoạn 2015 - 2020, xưởng của ông Vũ Văn Tinh đã tổ chức đào tạo nghề cho trên 100 lao động, trong đó nhiều người đã vươn lên trở thành thợ chính, đứng ra mở xưởng riêng. Tại xưởng, không chỉ được học nghề, mỗi lao động còn được ông Tinh hỗ trợ ăn trưa và trả lương 3 triệu đồng/tháng trong thời gian học việc. Chính tấm lòng nhiệt tình của ông đã giúp nhiều thanh niên địa phương có việc làm. Hiện nay xưởng sửa chữa xe ô tô của thương binh Vũ Văn Tinh có 2 cơ sở, với doanh thu gần 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương, mức thu nhập từ 6 đến 12 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ giỏi nghề, tâm huyết trong đào tạo nghề, cựu chiến binh, thương binh Vũ Văn Tinh còn hết lòng với công tác Hội trong vai trò Chủ tịch Hội thương, bệnh binh nặng - thương, bệnh binh làm kinh tế giỏi của thành phố Thái Bình. Ở đâu có đồng đội gặp khó khăn, ông đều có mặt động viên, chia sẻ và giúp đỡ.
Với nhiều đóng góp cho xã hội, cựu chiến binh, thương binh Vũ Văn Tinh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh trao tặng nhiều Bằng khen. Ông cũng là đại diện của tỉnh Thái Bình dự Hội nghị biểu dương thương binh làm kinh tế giỏi và người có công tiêu biểu toàn quốc nhiều năm liền.
Luôn tâm niệm mình là Bộ đội Cụ Hồ được tôi luyện trong quân ngũ nên khó khăn nào cũng phải vượt qua, bệnh binh hạng 2/3 Nguyễn Đăng Sơn, thôn Đình Phùng, xã Minh Tân, huyện Đông Hưng trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế với mô hình trồng hoa, cây cảnh, ghép hoa hồng bán cây giống, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Được biết, trước đây thu nhập của gia đình ông chỉ trông chờ vào 4 sào ruộng khoán nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Hưởng ứng phong trào phát triển sinh vật cảnh, địa phương có 2 loại cây truyền thống là đào và phát lộc, ông đã dành thời gian đi tập huấn trồng, chăm sóc cây cảnh, tham quan các mô hình sinh vật cảnh tiêu biểu; trở về, ông tiên phong chuyển đổi toàn bộ diện tích cấy lúa sang trồng đào và phát lộc, đồng thời làm tháp phát lộc để tăng thu nhập cho gia đình. 3 năm nay, thấy thị trường có nhu cầu cao về cây giống, ông đã chuyển từ trồng phát lộc sang trồng hoa mẫu đơn và hoa hồng. Vẫn với diện tích đó nhưng chuyển sang phát triển cây cảnh, cây giống đã cho gia đình bệnh binh Nguyễn Đăng Sơn thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa, thoát nghèo và vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Mô hình phát triển kinh tế của ông giải quyết việc làm cho 5 - 7 lao động thời vụ trồng, chăm sóc hoa, cây cảnh. Từ mô hình này nhiều cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh và cả người khỏe mạnh ở địa phương đã học tập, làm theo để phát triển kinh tế gia đình.
Hay như thương binh hạng ¼ Vũ Hữu Trung, thôn Lê Lợi 2, xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng đã chủ động vượt qua bệnh tật, chăm chỉ làm kinh tế, là gương sáng cho các thương binh, bệnh binh trong xã học tập, làm theo.
Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, khi vừa đến tuổi trưởng thành, chàng thanh niên Vũ Hữu Trung lên đường nhập ngũ và làm y tá chăm sóc sức khỏe cho các chiến sĩ bộ đội. Trong khi làm nhiệm vụ ông đã ông bị thương nặng tại chiến trường biên giới Tây Nam. Năm 1983 ông trở về quê hương sinh sống và lập gia đình. Cuộc sống khi đó vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Không cam chịu cuộc sống nghèo khó, nhớ lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông bàn với vợ chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển mô hình vườn - ao - chuồng.
Trên diện tích 2.000m2, ông Trung đào ao thả cá truyền thống, làm chuồng nuôi lợn, gà và trồng một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi, chuối. Từ hai bàn tay trắng, với nghị lực phi thường, vượt qua những cơn đau do vết thương tái phát, luôn có sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, ông tập trung phát triển kinh tế hiệu quả, đưa gia đình thoát nghèo, có cuộc sống đủ đầy, nuôi các con ăn học thành đạt.
Với sự nỗ lực và ý chí vươn lên, năm 2022, ông đại diện cho huyện Đông Hưng dự hội nghị thương binh tiêu biểu toàn tỉnh và được khen thưởng. Thương binh Vũ Hữu Trung là tấm gương sáng các thương binh, bệnh binh cũng như người dân trong xã học tập, làm theo./.
Cảnh Hưng
TAG: Đền ơn đáp nghĩa gương sáng thương binh vượt khó vươn lên
Tin khác
Hội đồng hương Nam Đàn tại TPHCM trao tặng học bổng và thiết bị học tập trị giá 450 triệu đồng cho học sinh nghèo vượt khó
Bà Rịa – Vũng Tàu: 29.240 người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng
Cà Mau: Ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với 2.067 hồ sơ trong 4 tháng đầu năm
Quận Tây Hồ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và gặp mặt, giao lưu nhân chứng lịch sử tham gia kháng chiến chống Pháp
Quận Hoàn Kiếm gặp mặt tri ân các gia đình liệt sĩ, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ
Đoàn lãnh đạo tỉnh Sơn La dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng liệt sĩ
Kiên Giang: Đa dạng các chương trình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Thừa Thiên Huế triển khai Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2024 – 2030
Chi hội LHTN Việt Nam Cơ sở CNMT Phước Bình: Quan tâm dạy văn hóa và đào tạo nghề cho học viên