Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Thanh Hoá: Chi trả chính sách người có công chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch
04:15 PM 25/11/2020
Với đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các gia đình NCC với cách mạng. Đặc biệt trong công tác quản lý sử dụng kinh phí Trung ương thực hiện chính sách ưu đãi NCC tại địa phương.
Tỉnh luôn thực hiện đúng, đủ, chu đáo, kịp thời các chế độ, chính sách đối với NCC. Tập trung giải quyết những tồn đọng về xác nhận, công nhận người tham gia hoạt động kháng chiến. 

Công tác chi trả chế độ ưu đãi người có công được tỉnh đặc biệt quan tâm
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đình Xứng cho biết: "Với đạo lý, truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ và NCC với cách mạng, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động huy động cộng đồng tham gia chăm lo đời sống gia đình chính sách. Trong những năm qua, Thanh Hoá, thực hiện chi trả chính sách NCC với cách mạng luôn với phương châm: Chính xác, kịp thời, hiệu quả, chi đúng đối tượng, chi đủ. Bên cạnh đó tỉnh cũng tăng cường kỷ luật, kỷ cương, công khai minh bạch tài chính và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng kinh phí trung ương thực hiện tốt công tác chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tại địa phương. Chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần NCC, phấn đấu để không còn hộ NCC thuộc diện hộ nghèo".
"Việc chi trả trợ cấp ưu đãi NCC phải đảm bảo đúng người, đúng chế độ, đúng thời gian quy định, đem lại sự hài lòng của NCC trong việc thực hiện chính sách ưu đãi; đồng thời đảm bảo an toàn về tiền mặt trên đường vận chuyển và đến tận tay người thụ hưởng; quản lý chặt chẽ các đối tượng hưởng chế độ; chấp hành đúng chế độ kế toán, báo cáo thanh quyết toán và quản lý lưu giữ chứng từ kế toán theo quy định... Việc chi trả được thực hiện tại các bưu cục và điểm bưu điện văn hóa phải đáp ứng được các điều kiện về an toàn quỹ tiền mặt, điều chuyển dòng tiền, chuyên môn phục vụ, địa điểm phục vụ thuận tiện cho việc đi lại. Đối với các trường hợp người khuyết tật không đi lại được, người già yếu, ốm đau... có thể phục vụ phát tiền tại địa chỉ nếu đối tượng có yêu cầu" - Chủ tịch Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh.
Theo thống kê, tại Thanh Hoá bình quân hàng tháng, cán bộ bưu điện đã thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho trên 75 nghìn đối tượng NCC và thân nhân NCC với cách mạng với tổng số tiền chi trả hàng tháng gần 140 tỷ đồng. Giám đốc Bưu điện tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Trung Thành chia sẻ: "Trước khi triển khai thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi NCC, chúng tôi đã quán triệt đến tất cả cán bộ, nhân viên của ngành là phải hết sức trách nhiệm. Bởi đây không đơn thuần là trả tiền, mà còn là trách nhiệm chăm sóc, đền ơn đáp nghĩa đối với NCC. Từ cách giao tiếp, ăn nói, cách trao tiền cho NCC đều phải hết sức thận trọng. Nhân viên chi trả phải thân thiện, chu đáo và nhiệt tình".
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hoá Dương Văn Huệ cho biết: "Ngày 4/3/2019 UBND tỉnh Thanh Hoá có QĐ số 752/QĐ-UBND phê duyệt "Đề án chi trả trợ cấp ưu đãi NCC với cách mạng qua hệ thống Bưu điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá", ngành đã phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai trên địa bàn toàn tỉnh và ký hợp đồng với Bưu điện tỉnh Thanh Hoá về việc cung cấp dịch vụ chi trả trợ cấp ưu đãi NCC qua hệ thống Bưu điện. Bên cạnh đó, công tác quản lý đối tượng, chi trả, thanh quyết toán các chế độ của NCC với cách mạng cũng luôn được quản lý, theo dõi chặt chẽ, đồng thời cũng tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ và nhân viên bưu điện về nghiệp vụ và kỹ năng giao tiếp về chi trả trợ cấp cho NCC. 
"Ngành thường xuyên phối hợp với Bưu điện tỉnh kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chi trả tại các huyện, thị xã, thành phố, thực hiện đúng quy trình chi trả trợ cấp. Để việc chi trả được thực hiện kịp thời, Sở LĐ-TB&XH đã có văn bản chỉ đạo cán bộ thuộc ngành phối hợp chặt chẽ với nhân viên ngành bưu điện. Ngành bưu điện sẽ thực hiện chi trả theo đúng lịch mà trước đây ngành LĐ-TB&XH đã thực hiện. Đồng thời trong giờ làm việc của các ngày còn lại, đối tượng đi nhận trễ vẫn được chi trả, nếu những trường hợp NCC ốm đau, đi viện, già yếu không đi lại được, cần được giao nhận đến tận nhà đối tượng, nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, chi đủ, chi đúng đối tượng" - ông Huệ cho biết thêm.
Theo Phó Giám đốc Dương Văn Huệ, trong thời gian tới, ngành tiếp tục tập trung thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách ưu đãi NCC với cách mạng; tiếp tục thực hiện đồng bộ Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng; đẩy mạnh các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của NCC với cách mạng. Bên cạnh đó, duy trì phong trào xây dựng 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, NCC; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
PV
TAG: Kinh phí Người có công Chi trả Bưu điện
Tin khác
Vĩnh Phúc triển khai tổ chức chu đáo việc chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Lạng Sơn: Đảm bảo kế hoạch thực hiện các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong những tháng đầu năm 2024
Thừa Thiên Huế: Xác định rõ nguồn lực, mục tiêu, đề ra các giải pháp để giảm nghèo bền vững
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách