An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Tai nạn lao động làm chết 862 người, thiệt hại gần 180 tỉ đồng
12:47 PM 25/04/2017
(LĐXH) - Năm 2016, tai nạn lao động làm chết 862 người, thiệt hại về vật chất là 178 tỉ đồng.
Đây là thông tin về tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) năm 2016, được ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động công bố tại cuộc họp báo về Tháng hành động an toàn - vệ sinh lao động (ATVSLĐ) lần thứ nhất, năm 2017, diễn ra vào chiều 24/4.
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2016 trên toàn quốc đã xảy ra 7.981 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 8.251 người bị nạn. Trong đó ở khu vực có quan hệ lao động xảy ra 7.588 vụ làm 711 người chết và 1.855 người bị thương nặng; khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động xảy ra 393 vụ làm 151 người chết và 97 người bị thương nặng. Chi phí thuốc men, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương... là 171,63 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản là 7,8 tỷ đồng; tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là 98.176 ngày.
10 địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Bình Dương, Quảng Ninh, Hải Dương, Đồng Nai, Quảng Nam, Thái Bình, Quảng Trị. Các địa phương này có tổng số người chết do TNLĐ là 504 người, chiếm 59,2% tổng số người chết vì TNLĐ trên toàn quốc. Trong đó, TP Hồ Chí Minh là địa phương xảy ra nhiều TNLĐ nhất (1.735 vụ) và có số vụ TNLĐ chết người nhiều nhất với 106 vụ làm 112 người chết.
Các số liệu thống kê cơ bản cho thấy tình hình TNLĐ vẫn diễn biến phức tạp, năm 2016, số vụ TNLĐ tuy có giảm nhưng số nạn nhân, số vụ TNLĐ chết người, số người chết và bị thương nặng đều tăng mạnh so với năm 2015.
Nguyên nhân chủ yếu để xảy ra TNLĐ chết người là do người sử dụng lao động chiếm 42,1%, cụ thể: Người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động; Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm; Thiết bị không đảm bảo an toàn lao động; Do tổ chức lao động. Ngoài ra, nguyên nhân từ người lao động chiếm 17,3% như: Người lao động vi phạm quy trình quy phạm an toàn lao động; Người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Còn lại 40,6% là những vụ tai nạn lao động xảy ra do các nguyên nhân khác.
Nhận định về tính xác thực của số liệu các vụ tai nạn lao động, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho rằng còn “vênh” so với thực tế. Vì nhiều trường hợp, người chủ sử dụng lao động thoả thuận bồi thường với phía gia đình người bị nạn để không khiếu kiện hoặc thông báo với cơ quan chức năng.
“Chỉ khi vào trong bệnh viện, người bị thương do tai nạn lao động mới khai báo với bác sĩ nguyên nhân chính xác để làm bệnh án. Do đó, con số báo cáo về tai nạn lao động giữa ngành LĐ-TB&XH và Bộ Y tế lệch khoảng 100 %” - ông Mai Đức Chính bổ sung.
Đánh giá về công tác thanh tra an toàn lao động, ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh thanh tra Bộ LĐTBXH, số vụ thanh tra lao động và xử phạt vi phạm đã tăng vọt trong năm 2016. “Năm 2016, Bộ LĐTBXH đã thực hiện thanh tra an toàn lao động tại hơn 1.000 công trình xây dựng trong cả nước, qua đó góp phần giảm số vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng từ 35 % năm 2015 xuống còn 22 % trong năm 2016” - ông Nguyễn Tiến Tùng cho biết.
Cũng theo ông Tùng, trước năm 2014, số tiền xử phạt các vi phạm an toàn lao động chỉ khoảng 4 tỉ đồng/năm. Từ năm 2015, việc thanh tra và xử phạt được chấp hành nghiêm hơn. Chỉ riêng năm 2016, Bộ đã xử phạt tới 16 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc xử phạt cũng chỉ có chừng mực. Ông Nguyễn Tiến Tùng nói: "Có những doanh nghiệp khi bị thanh tra phát hiện tối đa 28 lỗi, doanh nghiệp ít cũng có tối thiểu 7 lỗi. Nếu đem xử phạt hết thì khó và có thể ảnh hưởng tới nguồn việc làm của người lao động".
Để việc triển khai Tháng hành động có hiệu quả và thiết thực với doanh nghiệp, người lao động, ông Hà Tất Thắng đề nghị các cơ quan báo, đài Trung ương, địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng và các phóng viên tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền về ATVSLĐ với nhiều hình thức phong phú, tập trung vào các vấn đề sau: Lễ phát động và các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ lần thứ nhất, năm 2017; Chú trọng việc thông tin, tuyên truyền các kỹ năng, hướng dẫn cụ thể để phòng ngừa nguy cơ, các vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra có tính chất lặp đi, lặp lại. Chú ý tới việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền một cách sâu rộng tới cả các đối tượng không có quan hệ lao động; Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ ngày càng đi vào thực chất, qua đó nâng cao được nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động về công tác ATVSLĐ; hoạt động hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ cho các đối tượng không có quan hệ lao động.../.
Cảnh Minh
TAG: tai nạn lao động 2016 bao
Tin khác
Quận Cầu Giấy: Phát động Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2024
Cà Mau: Nhiều lao động được giải quyết việc làm trong tháng 4/2024
Bến Tre: Quan tâm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động
Xử lý nghiêm vụ tai nạn lao động tại Yên Bái
Long An: Sôi động hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ngay từ những ngày đầu năm 2024
Lào Cai: Nâng cao hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động
Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi ân cần tới thân nhân người bị tai nạn lao động tại Yên Bái
Hơn 6.000 việc làm tại Ngày hội việc làm Trường Đại học Công Thương
Đắk Lắk: Nhiều hoạt động trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024