Xã hội
Trang chủ / Xã hội / Xã hội
Phòng chống bạo lực học đường: Trách nhiệm không của riêng ai
04:15 PM 01/04/2019
(LĐXH) - Sau vụ việc nữ sinh lớp 9 trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, bị lột quần áo, bạo hành dã man ngay tại lớp học, dư luận xã hội bức xúc lên án hành động của các học sinh đánh bạn; Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ ngành liên quan xử lý nghiêm vụ việc; UBND tỉnh Hưng Yên đã có công văn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công An tỉnh, UBND huyện Ân Thi yêu cầu xử lý.

Vấn đề đáng báo động

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng, việc bạo hành bạn học đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm và thân thể, rất đáng báo động trong quan hệ giữa các học sinh với nhau. Đây là những sự việc đau lòng, tiếp tục gióng lên hồi chuông về sự suy đồi đạo đức ở một bộ phận học trò và trách nhiệm không của riêng ai.

Tổng đài 111 đã có kết nối để hỗ trợ bước đầu cho nạn nhân

Đến thời điểm này, tổng đài Quốc gia trẻ em 111 cũng đã phối hợp với tỉnh Hưng Yên có những hỗ trợ bước đầu về việc ổn định tâm lý cho học sinh này. Sự việc cũng cho thấy việc dạy kỹ năng sống cũng như dạy tâm lý học đường ở các trường học vẫn còn rời rạc, dẫn đến những bất ổn về mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với nhau.

Ông Đặng Hoa Nam chia sẻ: "Vấn đề tâm lý học đường cần phải làm cấp bách và dạy kỹ năng phòng ngừa, kỹ năng lên tiếng cho học sinh có nguy cơ là nạn nhân của bạo lực. Chúng ta phải tăng cường hơn nữa và cập nhật những kiến thức, những vấn đề ngoài xã hội vào để hướng dẫn cho các em. Trong trường học ngoài việc dạy những kiến thức cơ bản thì cần phải dạy các em những kỹ năng nào đối phó những vấn đề mà xã hội đang nổi lên. Đó là những cái trong ngành giáo dục cần phải ưu tiên triển khai, thứ hai là phải có chiến lược, kế hoạch lâu dài để phòng ngừa tích cực cho những hành vi bắt nạt và bạo lực học đường".

Mặc dù chúng ta có rất nhiều văn bản từ thông tư, nghị định liên quan đến tạo dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, tuy nhiên theo Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), bạo lực học đường vẫn diễn ra ở nhiều nơi và nguyên do chính của hiện tượng này là hiệu quả giáo dục đến các em học sinh về phòng, chống bạo lực học đường chưa cao. Chính việc giáo dục bằng trải nghiệm chưa tốt dẫn đến việc các em học sinh sống bàng quan với nhiều hiện tượng xã hội, không có tình thương, không tôn trọng người khác. Giáo dục giáo điều không giúp các học sinh có được những tác động sâu sắc về mặt tâm hồn, làm những điều xấu mà chưa thấy là mình làm sai.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm

Về nguyên nhân của bạo lực học đường gia tăng, có thể nhìn nhận ở 3 vấn đề. Ở thời điểm hiện tại, tâm sinh lý các em học sinh ngày càng phức tạp, nhưng giáo viên chủ nhiệm chưa nắm bắt được tâm lý, tình cảm của học sinh. Thêm vào đó, công tác tổ chức quản lý của mỗi nhà trường, khuyến khích những điều tích cực, đấu tranh với cái xấu chưa cao. Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm hiện nay chỉ quen chỉ thị nhưng không phát hiện, không kiểm tra nên không phát hiện kịp thời sự việc. Để xảy ra bạo lực giữa các học sinh trong nhà trường mà giáo viên chủ nhiệm và Ban giám hiệu nhà trường không nắm được là điều không thể chấp nhận. Yếu tố cuối cùng khiến bạo lực học đường gia tăng là các em học sinh chưa được giáo dục về chịu trách nhiệm với vấn đề mình gây ra. Trong trường hợp cụ thể như vụ việc xảy ra với em học sinh ở Hưng Yên, theo nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm, dù luôn chủ trương không đuổi học các em mà cần giáo dục để các em hiểu sai lầm của mình nhưng đây là một vụ việc có thể quy trách nhiệm hình sự khi các em học sinh đánh người và vi phạm nhân phẩm người khác. Các em sẽ phải chịu trách nhiệm vì những điều mình làm bằng việc phạt lao động công ích hoặc những án phạt thích đáng với những lỗi lầm mình gây ra. Các học sinh khác lấy gương đấy để thay đổi.

Chủ động dạy trẻ cách phòng tránh và ứng phó với bạo lực học đường

Với tư cách một chuyên gia về tâm lý giáo dục, TS. Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội), 07 nguyên tắc cơ bản cần trang bị để giúp trẻ chủ động, tự tin hơn trong ứng xử với các tình huống bạo lực học đường.

Hãy cho con thử nghiệm được tức giận, theo chuyên gia, nếu con mình hiền quá, không biết phản kháng trước các tình huống bị trêu ghẹo, bạn phải chọc cho nó tức lên để bùng phát “cơn điên” khi quá sức chịu đựng. Chỉ khi con tự thấy, nếu mình biết “vùng lên” và mọi sự trêu chọc chấm dứt, con sẽ hiểu phải làm gì khi bị bắt nạt.

Không bao giờ bạo lực với con, đây có thể gọi là cách làm gương tốt cho con. Xu hướng bạo lực của trẻ cũng có căn nguyên từ môi trường sống trong gia đình. Nếu các bố mẹ là người đã từng cáu lên mà đánh ai đó thì cần phải tìm cách để tự cải thiện tình hình.

Phạt nghiêm nếu con trêu chọc, làm phiền người khác, đồng thời, cha mẹ cần trang bị cho con cả những kiến thức pháp luật để trẻ hình dung mức độ và những hình phạt trong các trường hợp bạo lực xảy ra.

Làm bạn với con trên tinh thần tôn trọng và chia sẻ để con cởi mở và có thể xem bố mẹ như người bạn lớn.

Không để con cô độc, hãy dạy con kết bạn. Có nhiều cách để làm việc này và bố mẹ hãy tìm cách phù hợp với đặc tính của con, phù hợp đối tượng bạn bè và với môi trường lớp học của con để giúp có cách hợp lý mở rộng mối quan hệ bạn bè theo chiến thuật “thêm bạn bớt thù”.

Khi con bị tẩy chay, bị bắt nạt hãy cổ vũ con tự xử lý. Trẻ cần được hình thành tư duy tự xử lý với vấn đề của mình. Bố mẹ có thể đưa ra lời khuyên gắng với tình huống nhất định để con tự tìm ra cách giải quyết của riêng mình.

Dạy con ứng phó khi bị bạo hành, bố mẹ hãy đặt ra các tình huống khác và bảo con nghĩ cách ứng phó, từ đó trẻ sẽ tự hình thành được thói quen tự vệ hết sức bản năng.

Trần Huyền

 

TAG: Bạo lực học đường Luật trẻ em phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em bao
Tin khác
Vĩnh Phúc triển khai tổ chức chu đáo việc chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Lạng Sơn: Đảm bảo kế hoạch thực hiện các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong những tháng đầu năm 2024
Thừa Thiên Huế: Xác định rõ nguồn lực, mục tiêu, đề ra các giải pháp để giảm nghèo bền vững
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách