An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hưng Yên: Người nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giúp thoát nghèo bền vững
03:44 PM 07/12/2017
Với 9 chương trình tín dụng, dòng vốn chính sách ưu đãi ở Hưng Yên đã đến tận tay hàng trăm nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Khi dòng vốn này được khơi thông đã trở thành nguồn lực quan trọng trong công tác giảm nghèo, là “điểm tựa” để các hộ gia đình hiện thực hóa mong ước cải thiện cuộc sống ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Theo ông Đặng Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, để thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục xây dựng các chương trình dự án trọng tâm, trọng điểm theo điều kiện của từng địa phương, để NHCSXH có hướng đầu tư mang lại hiệu quả cao, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Coi trọng việc lồng ghép có hiệu quả hoạt động vay vốn với các chương trình khuyến nông giúp người vay vốn thoát nghèo bền vững.
Sau 15 năm hoạt động, đến nay tổng nguồn vốn tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt trên 2.300 tỷ đồng. Hàng năm, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 20%, hệ số sử dụng vốn và tỷ lệ thu lãi đạt trên 98%. NHCSXH tỉnh đang thực hiện cho vay 9 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi thực hiện ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội. Trong đó có gần 700 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn.
Nguồn vốn vay ưu đãi đã góp phần giúp gần 10 nghìn lượt hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu; hơn 18 nghìn dự án thuộc chương trình vay vốn giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động nông thôn; gần 2.500 lượt hộ vay vốn đi lao động xuất khẩu; hơn 55 nghìn lượt HSSV nghèo được vay vốn trang trải chi phí học tập; hơn 300 nghìn công trình nước sạch góp phần cải thiện môi trường xanh sạch, cải thiện sức khỏe cộng động dân cư khu vực nông thôn.
Với việc thực hiện hiệu quả nguồn vốn vay tín dụng, đời sống người dân nông thôn đã
có nhiều thay đổi
Hầu hết hộ nghèo, hộ cận nghèo, kể cả hộ mới thoát nghèo ở tỉnh Hưng Yên trong thời gian qua có nhu cầu và có đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi, bởi NHCSXH đã thường xuyên tổ chức cho vay trực tiếp và ủy thác một số nội dung công việc cho 4 tổ chức chính trị - xã hội, thông qua mạng lưới 161 Điểm giao dịch xã và hệ thống 3.305 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn xóm, khối phố. Nhờ vậy, tất cả nguồn vốn tín dụng ưu đãi được chuyển tải đến đúng đối tượng thụ hưởng nhanh chóng và hiệu quả.
Đơn cử như ở xã Phú Thịnh (huyện Kim Động), đã có 127 hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được NHCSXH huyện giải quyết cho vay vốn ưu đãi với mức vay bình quân 45 triệu đồng/hộ. Thông qua Hội Phụ nữ xã, gia đình chị Vũ Thị Thành được vay 50 triệu đồng vốn hộ cận nghèo. Nhận tiền vay, chị Thành quyết định mua cặp bò sinh sản và nuôi 500 con vịt đẻ trứng. “Tôi phấn đấu phát triển nghề chăn nuôi để đồng vốn chính sách sinh lãi và kinh tế gia đình khấm khá, thoát hẳn nghèo khó”, chị Thành phấn khởi nói.
Cùng với việc mở rộng kênh tín dụng theo Quyết định của Chính phủ, NHCSXH tỉnh Hưng Yên thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ tiền vốn, kỹ thuật cho các xã dọc triền đê sông Hồng, sông Thái Bình khai thác tiềm năng lợi thế vùng đất bãi giàu phù sa, xây dựng trang trại kinh tế vườn cây ăn quả đặc sản như chuối tiêu hồng, nhãn lồng, bưởi da xanh, cam canh, quất cảnh. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân vùng đất bãi bồi Văn Giang, Khoái Châu, Phù Cừ và ngoại ô thành phố Hưng Yên thoát nghèo bền vững, xây dựng cơ ngơi bề thế. Đó là anh Nguyễn Văn Thuận, ở xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang đã sử dụng toàn bộ số vốn vay ưu đãi cải tạo khu ruộng trũng thành vườn cao và mua sắm đủ giống cây tốt, vật liệu bắc giàn tưới nước cho 7 mẫu cam lòng vàng, 8 sào bưởi da xanh, đạt mức thu nhập 400 triệu đồng/năm… Anh Thuận cho biết: “Nhờ nguồn vốn tiếp sức, kinh tế gia đình khá giả, đổi thay hẳn. Mong sao sang năm mới, nông dân chúng tôi được NHCSXH giúp đỡ cho vay tiếp, vay vốn mở rộng nghề trồng cây ăn quả”.
Định hướng về công tác tín dụng chính sách phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 ở tỉnh Hưng Yên, theo bà Nguyễn Thị Xuân - Giám đốc NHCSXH tỉnh Hưng Yên, toàn tỉnh phấn đấu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Nguồn vốn dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 8 - 10%. Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,5% tổng dư nợ, tỷ lệ thu lãi trên 98% số lãi phải thu. Hàng năm góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn từ 1,5% - 2%, tạo việc làm mới cho khoảng 5.000 lao động.

PV
 
TAG: Hưng yên Giảm nghèo
Tin khác
Vĩnh Phúc triển khai tổ chức chu đáo việc chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Lạng Sơn: Đảm bảo kế hoạch thực hiện các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong những tháng đầu năm 2024
Thừa Thiên Huế: Xác định rõ nguồn lực, mục tiêu, đề ra các giải pháp để giảm nghèo bền vững
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách