An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
An Giang: Thực hiện cơ chế phân cấp, trao quyền cho cơ sở trong thực hiện chính sách giảm nghèo
02:21 PM 08/11/2017
(LĐXH) Công tác giảm nghèo luôn là một trong các mục tiêu then chốt của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh An Giang, luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm và ra sức tập trung chỉ đạo nhằm giúp các hộ nghèo cải thiện đời sống vật chất cũng như tinh thần để vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.
Sau nhiều năm thực hiện, chương trình giảm nghèo của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, ngày càng nhận được sự quan tâm to lớn của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân. Theo kết quả điều tra hộ nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, đầu năm 2016, toàn tỉnh An Giang có 45.789 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,45%/tổng số hộ dân, với 174.367 nhân khẩu; có 27.876 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,15%/tổng số hộ dân, với 105.082 nhân khẩu. Hộ nghèo dân tộc thiểu số là 7.295 hộ, chiếm tỷ lệ 27,46%/tổng số hộ dân tộc thiểu số với 27.977 nhân khẩu. Để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng tốt hơn, thì vấn đề đặt ra là phải gắn tăng trưởng kinh tế - xã hội với giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020.

 Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng sạt lở ở
xã Phú Hữu (huyện An Phú)
Thực hiện chương trình, trong năm 2016, tỉnh An Giang đã cấp 313.870 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng BTXH; Tổ chức khám chữa bệnh cho 22.307 lượt người nghèo, khám chữa bệnh miễn phí cho 20.459 lượt trẻ em dưới 6 tuổi; Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp khác cho trên 150.000 học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo đang học tại các trường phổ thông trong tỉnh; Hỗ trợ đất ở cho 644 hộ, hỗ trợ đào tạo nghề cho 83 lao động.
Ngoài ra, địa phương đã tuyển sinh dạy nghề cho gần 25.250 người (dạy nghề cho lao động thuộc hộ nghèo là 13.260 người); giải quyết việc làm cho 30.667 lao động, trong đó lao động trong tỉnh là 21.457 lao động, ngoài tỉnh là 9.055 lao động, xuất khẩu lao động là 155 lao động.
Riêng về chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây mới trên 280 căn nhà cho hộ nghèo, với kinh phí trên 11,2 tỷ đồng; giải ngân cho 26.156 hộ vay, với số tiền 496,652 tỷ đồng; chi hỗ trợ tiền điện cho 45.789 hộ nghèo, kinh phí 26,923 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3% vào năm 2020, tỉnh An Giang tập trung thực hiện các giải pháp chính như: Quán triệt sâu sắc trong các cấp, các ngành và địa phương về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác giảm nghèo, làm cho mọi người, mọi cấp, mọi ngành nhận thức đầy đủ về công tác này, xác định đúng trách nhiệm của mình để tổ chức thực hiện ở địa phương, đơn vị. Tăng cường vai trò lãnh đạo và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể nhân dân và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện các hoạt động về giảm nghèo. Củng cố kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp để thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giảm nghèo ở cấp mình. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo. Kịp thời phát hiện, khắc phục những thiếu sót trong lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý nghiêm minh tập thể, cá nhân có sai phạm. Thường xuyên theo dõi, chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn, vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện giảm nghèo hàng năm. Rà soát, quản lý chặt chẽ danh sách hộ nghèo, nhất là cấp xã, phường, thị trấn và khóm, ấp, tổ dân phố; lập sổ quản lý theo dõi hộ nghèo chính xác để làm cơ sở thực hiện chính sách với hộ nghèo, người nghèo, hộ cận nghèo, người cận nghèo.
Bên cạnh đó, An Giang cũng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức về giảm nghèo trong các tầng lớp nhân dân, xác định rõ trách nhiệm người nghèo phải tự vươn lên thoát nghèo là chính, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng. Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo và xã hội hóa công tác giảm nghèo bằng mọi nguồn lực khác có thể huy động được trên địa bàn qua các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ngày vì người nghèo”.
Đặc biệt, tỉnh sẽ thực hiện cơ chế phân cấp, trao quyền cho cơ sở trong thực hiện chính sách giảm nghèo như: Đối với các Sở, ngành, xây dựng kế hoạch hàng năm, giao nhiệm vụ và kinh phí hỗ trợ cho các địa phương; tổ chức giám sát, đánh giá quá trình thực hiện. Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hàng năm đến tận cơ sở và đối tượng thụ hưởng chương trình. Mở rộng và tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân về các hoạt động của Chương trình từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch, sắp xếp thứ tự ưu tiên, triển khai thực hiện ở cấp xã, quản lý nguồn lực, giám sát và đánh giá.

 Hồng Phượng
TAG: An GIang Trao quyền Giảm nghèo
Tin khác
Vĩnh Phúc triển khai tổ chức chu đáo việc chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Lạng Sơn: Đảm bảo kế hoạch thực hiện các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong những tháng đầu năm 2024
Thừa Thiên Huế: Xác định rõ nguồn lực, mục tiêu, đề ra các giải pháp để giảm nghèo bền vững
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách