Văn hóa
Trang chủ / Văn hóa - Thể thao / Văn hóa
Trưng bày hơn 300 báu vật khảo cổ học Việt Nam tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
08:44 PM 12/04/2018
(LĐXH) - Sáng 12/4/2018, Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai mạc trưng bày chuyên đề Báu vật khảo cổ học Việt Nam.
Chương trình trưng bày chuyên đề “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” sẽ giới thiệu tới công chúng khoảng 300 hiện vật khảo cổ học tiêu biểu có niên đại từ thời tiền sử đến thế kỷ 17-18.
Thời gian trưng bày kéo dài từ ngày 12/4 đến hết tháng 7/2018 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội).
Cụ thể, những hiện vật này được giới thiệu theo các chủ đề: “Báu vật khảo cổ học thời tiền sử,” “Báu vật khảo cổ học thời đại kim khí” (với văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Đồng Nai), “Báu vật khảo cổ học lịch sử” Việt Nam (10 thế kỷ đầu công nguyên, văn hóa Óc Eo - Phù Nam, Champa và Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, văn hóa - văn minh Đại Việt).
Những hiện vật được giới thiệu lần này thuộc nhiều loại hình (công cụ lao động, đồ trang sức, vật dụng trang trí…) được làm từ nhiều loại chất liệu khác nhau như: gốm, đồng, sứ, vàng... Trong đó, có thể kể đến một số hiện vật tiêu biểu như: trống đồng Sao Vàng (thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.000-2.500 năm), mô hình nhà/bếp lò bằng đất nung (tìm thấy ở di tích thành cổ Luy Lâu và những ngôi mộ gạch có niên đại thế kỷ 1-thế kỷ 3), đồ gốm Chu Đậu (thế kỷ 15-17)…
Phù điêu thần Laksmi.
Trải qua hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, khảo cổ học Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Đặc biệt, từ sau năm 1954, các nhà khảo cổ học đã phát hiện, nghiên cứu thêm nhiều nền văn hóa thuộc các giai đoạn khác nhau, lấp được những ‘khoảng trống’ về nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Khảo cổ học Việt Nam đã đóng góp nguồn tư liệu quan trọng làm sáng tỏ hơn cội nguồn dân tộc và văn hóa Việt Nam (đặc biệt là thời kỳ lịch sử từ thế kỷ 1-đầu thế kỷ 20),” đại diện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết.
Đầu phượng trang trí kiến trúc.
Chương trình trưng bày chuyên đề lần này được tổ chức nhằm giới thiệu những thành tựu của chính các nhà khảo cổ học Việt Nam đã đạt được trong 60 năm qua, đặc biệt chú trọng giới thiệu những kết quả khảo cổ học đã đạt được bởi sự hợp tác giữa CHLB Đức và CHXHCN Việt Nam trên lĩnh vực khảo cổ. Thông qua các hiện vật trưng bày giới thiệu những giá trị về lịch sử văn hoá của các nền văn hoá cổ ở Việt Nam. Góp phần giới thiệu tới bạn bè quốc tế những di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam.
Trước đó, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và một số bảo tàng, di tích Việt Nam phối hợp với một số bảo tàng của Đức tổ chức trưng bày chuyên đề: “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” tại Đức từ tháng 10/2016 đến tháng 2/2018. Trưng bày được tổ chức tại ba bảo tàng của Đức là: Bảo tàng Khảo cổ học bang Westfalen tại Herne (từ ngày 7/10/2016 đến ngày 26/2/2017), Bảo tàng Khảo cổ học quốc gia Chemnitz tại Chemnitz (từ ngày 30/3 đến ngày 20/8/2017) và Bảo tàng Reiss-Engelhorn tại Mannheim (từ ngày 16/9/2017 đến ngày 7/1/2018). Trưng bày diễn ra đã thành công, thu hút sự quan tâm lớn của công chúng Đức, góp phần giúp người dân Đức và châu Âu hiểu biết hơn về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. 
Thảo Lan
 
TAG: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Báu vật khảo cổ học Việt Nam
Tin khác
Tác giả bộ truyện tranh “ZOOKiZ và Trường Khoa học bí ẩn” giao lưu với thiếu nhi Việt Nam
“Thưởng thức triết học” - gợi mở tư duy triết học cho thanh thiếu niên
Kỷ niệm 1085 năm vua Ngô Quyền xưng vương và định đô tại Cổ Loa
Chiến dịch #BookTok trở lại với nhiều hoạt động mới lạ, chào đón Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam 2024
Nhiều điểm mới trong Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024
Nhạc sĩ Trần Lệ Giang trở lại với Album “Những bông hoa màu xanh”
Sách cũng là.. người Thầy
Cụm 4 lực lượng vũ trang Quân khu 7 khai mạc giải bóng đá, bóng chuyền
Phim hoạt hình “Make in Vietnam” được trình chiếu tại Liên hoan phim quốc tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ I