Thời sự
Trang chủ / Thời sự / Thời sự
Hội nghị Bộ trưởng đặc biệt về lao động, phúc lợi xã hội và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Lào đạt nhiều kết quả tốt đẹp
05:28 PM 29/11/2022
(LĐXH)- Trong 2 ngày (28 – 29/11), tại Quảng Ninh, Hội nghị Bộ trưởng đặc biệt về lao động, phúc lợi xã hội và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Lào do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam cùng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào tổ chức đã diễn ra trên tinh thần thẳng thắn, đoàn kết, trách nhiệm, thành công và đạt nhiều kết quả tốt đẹp.
Hội nghị gồm bao gồm 5 phiên làm việc. Trong Phiên 1 và 2, các đơn vị liên quan của hai Bộ đã cùng nhau chia sẻ thông tin và thảo luận về bốn chủ đề bao gồm: (1) Đảm bảo an sinh xã hội trong đại dịch Covid-19 và giai đoạn phục hồi kinh tế; (2) Phục hồi và phát triển thị trường lao động sau đại dịch và kế hoạch cho tương lai; (3) Quản lý lao động di cư trong đại dịch Covid-19 và phục hồi sau đại dịch; và (4) Giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh mới.
Cùng thống nhất đảm bảo an sinh xã hội
Tại Phiên Đảm bảo an sinh xã hội, phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh: Bảo đảm an sinh xã hội luôn được Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh diễn ra đại dịch Covid-19. Hệ thống an sinh xã hội tại Việt Nam có các trụ cột cơ bản bao gồm: tạo việc làm, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội và giảm nghèo do Nhà nước làm chủ đạo, tạo ra một lưới an toàn nhiều tầng cho tất cả các thành viên, các nhóm xã hội, nhất là các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương khi bị suy giảm hoặc mất nguồn thu nhập, khi gặp rủi ro, hoạn nạn, đau ốm, bệnh tật... An sinh xã hội cũng nhằm nâng cao khả năng ứng phó khi mất việc làm, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân. Chính vì vậy, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tàn phá mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, kinh tế suy thoái, an sinh xã hội thực sự trở thành một trụ cột quan trọng, góp phần ổn định kinh tế - xã hội.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan trao đổi tại các phiên làm việc
Tăng trưởng kinh tế tuy có bị suy giảm, là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011 - 2020 nhưng Việt Nam vẫn thuộc nhóm quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới năm 2020 - 2021. Sự thành công trong thực hiện “mục tiêu kép”: Chống dịch và phát triển kinh tế, có vai trò và tác động to lớn từ chính sách an sinh xã hội bao gồm bảo vệ người lao động trước nguy cơ thất nghiệp, giảm giờ làm do đại dịch Covid-19; trợ cấp tiền mặt, hỗ trợ lương thực cho các nhóm yếu thế; mở rộng các chính sách an sinh xã hội trong bối cảnh phục hồi kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào Padeuphone Sonthany 
Đại diện Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào chia sẻ những tiến bộ của việc phát triển hệ thống an sinh xã hội mở rộng tại Lào, có thể bao phủ đến các nhóm đối tượng về bảo hiểm y tế, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội một cách có hệ thống, hiệu quả hơn so với trước đây. Điển hình như chính sách mỗi năm cấp 9% ngân sách của Chính phủ cho ngành y tế để đóng bảo hiểm y tế cho người dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 94%. Mặc dù vậy, vẫn còn khá nhiều khó khăn, thách thức và Chính phủ Lào sẽ tiếp tục cải thiện để phát huy hiệu quả của công tác an sinh xã hội trong tương lai.
Nâng tầm hợp tác lao động và phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề
Liên quan đến việc phục hồi và phát triển thị trường lao động sau đại dịch, Việt Nam đã chia sẻ việc ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời và những nỗ lực trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nói chung, và thị trường lao động nói riêng đã hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, góp phần đảm bảo khôi phục nhanh nguồn cung lao động. Nhờ đó, thị trường lao động Việt Nam phục hồi tương đối nhanh với mức tăng đáng kể cả về lực lượng lao động và việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, chất lượng việc làm được cải thiện, thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm được cải thiện. Trong tương lai, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan báo cáo kết quả các phiên làm việc
Đối với công tác quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ người lao động để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động cũng như hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo các quy định về phòng chống dịch. Khi dịch bệnh về cơ bản được kiểm soát, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động nắm bắt thông tin, nghiên cứu đề xuất các giải pháp, chính sách kịp thời để đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc tại các thị trường trọng điểm, truyền thống. Đồng thời, tìm kiếm các ngành nghề mới, các thị trường mới có việc làm ổn định, thu nhập cao tiếp nhận lao động Việt Nam.
Hội nghị ghi nhận, trong 11 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 122.004 lao động (44.572 lao động nữ) đạt 135,56% kế hoạch năm 2022, (năm 2022, dự tính kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 90.000 lao động  ) và bằng 274,86% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thị trường: Nhật Bản: 60.105 lao động (27.359 lao động nữ), Đài Loan: 53.883 lao động (16.257 lao động nữ), Hàn Quốc: 1.732 lao động (43 lao động nữ), Singapore: 1.663 lao động.
Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào Baykham Khattiya và Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cùng các đại biểu thăm quan không gian văn hóa Lào tại Trường Đại học Hạ Long
Liên quan đến công tác giáo dục nghiệp (GDNN) trong bối cảnh nhiều đổi thay quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng về giáo dục đào tạo diễn ra ở quy mô toàn cầu, Hội nghị ghi nhận một số giải pháp phía Việt Nam đề xuất như hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; Đẩy nhanh chuyển đổi số; Hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị; Đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề; Gắn kết chặt chẽ GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động; Nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; Tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính cho GDNN; Truyền thông, nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của GDNN; Chủ động và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về GDNN.
Hội nghị ghi nhận phần trình bày tổng hợp của Lào về lao động và phát triển nguồn nhân lực, trong đó Lào đã tập trung phát triển kỹ năng bằng cách xây dựng pháp luật, thực hiện đào tạo tại các viện đào tạo, trung tâm phát triển kỹ năng và khuyến khích các đơn vị lao động đào tạo kỹ năng ở nhiều cấp độ và theo nhiều hình thức. Liên quan đến việc quản lý lao động di cư, Lào đã có luật lao động, nghị định, chính sách, thỏa thuận... là những công cụ để quản lý và bảo vệ người lao động di cư. Việc sử dụng lao động từ Việt Nam được thực hiện như một chính sách đặc biệt trong dự án đầu tư viện trợ không hoàn lại và trong Khu phát triển kinh tế tam giác ở phía Nam nước CHDCND Lào.
Hội nghị cũng xem xét, đánh giá lại các nội dung đã được nêu từ Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Việt Nam – Lào lần thứ 7 năm 2021 vừa qua, trong đó, phía Việt Nam trình bày báo cáo về Tình hình triển khai Thoả thuận Hợp tác trong lĩnh vực lao động và phúc lợi xã hội giữa hai Bộ giai đoạn 2021- 2022, những thuận lợi, khó khăn, đề xuất kế hoạch một số hoạt động hợp tác cụ thể trong năm 2023 và đến năm 2025. Phía Lào cũng trình bày Báo cáo tình hình hợp tác giữa hai nước giai đoạn 2021 - 2022. Hội nghị ghi nhận rằng hai Bộ đều nỗ lực thực hiện Hiệp định hợp tác về lao động Việt Nam -Lào , tổ chức các tọa đàm, hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước; trao đổi thư, điện chúc mừng; theo dõi, tìm kiếm hài cốt của quân tình nguyện Việt Nam hi sinh tại Lào; công tác hỗ trợ cho các nạn nhân do bom mìn chưa nổ; hợp tác trong các lĩnh vực lao động và phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề, an toàn vệ sinh lao động...
Lãnh đạo Trường Đại học Hạ Long tặng quà Bộ trưởng Baykham Khattiya
Trên cơ sở đánh giá về những thuận lợi, khó khăn, nhu cầu cũng như tiềm năng trong hợp tác giữa hai bên, Hội nghị đã thống nhất về việc cần tăng cường kết nối không chỉ giữa các đầu mối hợp tác quốc tế mà còn giữa các đơn vị chuyên môn của hai Bộ. Hội nghị cũng xác định các hoạt động cụ thể trong năm 2023, trong đó có việc chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 8 sẽ được tổ chức tại Lào. Bên cạnh đó, xác định những định hướng hợp tác đến năm 2025 làm tiền đề cho việc lập kế hoạch trong dài hạn để đảm bảo tính bền vững của các hoạt động cho thời gian tới.
Trong khuôn khổ Hội nghị, đoàn đại biểu hai nước đã tới thăm Trường Đại học Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Chuyến thăm đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự bố trí chu đáo từ phía nhà trường và hỗ trợ từ phía Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh. Qua đó, đã giúp đoàn đại biểu, đặc biệt là phía bạn Lào được tìm hiểu thêm về thực tế đào tạo kỹ năng nghề tại nhà trường nói riêng cũng như hoạt động phát triển nguồn nhân lực nói chung của Việt Nam. Các bạn Lào cũng đã phần nào nắm được tình hình học tập, sinh hoạt của các em sinh viên Lào tại Đại học Hạ Long.

Chí Tâm

 

TAG: kết quả tốt đẹp hội Nghị Bộ Trưởng đặc biệt lao động phúc Lợi Xã Hội phát triển nguồn nhân lực Việt Nam Lào bao
Tin khác
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hòa Bình có nhiều tiềm năng khác biệt
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đã làm là phải cân đong đo đếm được
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phấn đấu xóa nhà tạm, nhà dột vào năm 2025
Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định nghỉ 5 ngày Lễ 30/4 và 1/5
Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị Thông tin chuyên đề quý I/2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đẩy mạnh hợp tác nhân lực về đào tạo nghề giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út
Phiên giao dịch và tư vấn việc làm quận Hà Đông năm 2024: Cơ hội tốt để người lao động lựa chọn những vị trí việc làm phù hợp
Đảng ủy Bộ LĐ-TB&XH chính thức tiếp nhận Đảng bộ và đảng viên Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II