Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Bước tiến mới trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Long An
07:07 PM 25/09/2020
(LĐXH)-Thời gian qua, tỉnh Long An huy động được cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp của các sở ngành tỉnh, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo được tăng cường, đội ngũ giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn về chuyên môn, kỹ năng nghề, có kinh nghiệm tiếp cận và đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chương trình, giáo trình thường xuyên được rà soát, đổi mới nên chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Nhiều lao động nông thôn sau khi học nghề may công nghiệp đã vào làm việc tại Tổ hợp tác May gia công Từ Xuyên (xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh)

Thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956), tỉnh Long An đã ưu tiên nguồn lực, quan tâm phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Tính đến hết năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 25 cơ sở với 11 cơ sở công lập và 14 ngoài công lập. Trong đó: 03 Trường cao đẳng, 07 Trường trung cấp, 06 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 09 đơn vị khác có tham gia đào tạo nghề nghiệp. Trong đó, có 15 cơ sở tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Trong thời gian qua, có 13 cơ sở đã trung ương và địa phương được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề với tổng kinh phí thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị là 86.842 triệu đồng.

UBND tỉnh, các sở ngành tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, phối hợp, hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh tổ chức triển khai, quán triệt trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân dưới nhiều hình thức: Lồng ghép với các hội nghị tập huấn chuyên đề, các cuộc sinh hoạt chi, tổ, hội của các đoàn thể ở địa phương và vận động đoàn viên, hội viên tham gia học nghề. Cấp ủy, chính quyền các cấp đưa nội dung triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào nghị quyết, kế hoạch hàng năm của địa phương để lãnh đạo thực hiện.

UBND tỉnh đồng thời cũng thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án cấp tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, lãnh đạo các Sở: Lao động - Thương Binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ làm Phó Trưởng ban và đại diện các sở, ngành có liên quan và UBND cấp huyện làm thành viên.

Các huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ chuyên viên giúp việc; bố trí 01 biên chế thuộc phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện phụ trách công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Có 190/192 xã, phường, thị trấn triển khai và thành lập Tổ Chỉ đạo thực hiện Đề án.

Nhờ học nghề nấu ăn, bà Nguyễn Thị Vốn ở thị trấn Cần Đước biết cách bảo quản thức ăn, cách chọn thực phẩm để bán hàng

Nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng cho các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh truyền thông về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; ý nghĩa, tác động tích cực của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến việc làm, thu nhập của người lao động, đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; các giải pháp chủ yếu để thực hiện; các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, những cá nhân, tập thể điển hình trong việc học nghề có việc làm và vươn lên thoát nghèo, qua đó động viên, cổ vũ lao động nông thôn tham gia học nghề. Riêng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2019 đã tố chức in 7.000 tờ rơi, 1.230 khẩu hiệu, 171 panô, 05 phòng tuyên truyền, tổ chức 34 lớp tập huấn cho 7.808 lượt cán bộ cấp huyện, xã, phường, thị trấn, 01 video clip quản bá hình ảnh về công tác giáo dục nghề nghiệp và tuyên tuyền về dạy nghề nông thôn.

Xác định hoạt động điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn là quan trọng, làm cơ sở xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn các cấp có chất lượng và hiệu quả, hàng năm, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức rà soát nhu cầu học nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo. Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chương trình đào tạo, trình UBND tỉnh Quyết định ban hành danh mục nghề và mức chi phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, trong giai đoạn 2010 - 2019, đã tiến hành xây dựng và xây dựng lại 130 chương trình, 08 giáo trình (trong đó, có 62 chương trình, 08 giáo trình đào tạo nghề phi nông nghiệp và 68 chương trình đào tạo nghề nông nghiệp). Riêng năm 2019, tổ chức xây dựng 06 chương trình đào tạo nghề nông nghiệp. Chương trình, giáo trình được xây dựng cơ bản phù hợp với nhu cầu của người học, theo từng đối tượng thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; trong đó, chú trọng đến những nghề có thế mạnh, truyền thống của các địa phương, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tạo việc làm sau đào tạo. Cũng trong năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành xây dựng và nghiệm thu định mức kinh tế - kỹ thuật 04 nhóm nghề: Cơ khí, Cơ khí động lực, Điện và May với 18 nghề (14 nghề trình độ sơ cấp và 04 nghề đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng) cho lao động nông thôn.

Nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương đã có việc làm sau khi tham gia học nghề

Để đảm bảo số lượng, chất lượng giáo viên tham gia đào tạo nghề, năm 2019, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với đơn vị đủ điều kiện mở 46 lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, kỹ năng dạy nghề, kỹ năng và phương pháp soạn giáo án điện tử, kiến thức khởi sự doanh nghiệp, phương pháp biên soạn bài giảng tích hợp, nghiệp vụ cán bộ quản lý cho giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cán bộ các trạm khuyến nông, ngư, bảo vệ thực vật, thú y và các nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật có tay nghề cao của các doanh nghiệp. Các lớp học đã thu hút 1.093 lượt người tham gia, góp phần bổ sung lực lượng giáo viên tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn của tỉnh. Đến thời điểm đầu năm 2020, toàn tỉnh có 230 giáo viên và 70 người tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn, đảm bảo kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và nghiệp vụ sư phạm theo quy định để giảng dạy.

Công tác kiểm tra, giám sát cũng được Ban Chỉ đạo các cấp triển khai thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Để phát huy vai trò giám sát công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Hội Nông dân tỉnh mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng giám sát các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho 150 cán bộ Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh cấp cơ sở, lũy kế đến nay đã tổ chức bồi dưỡng 07 lớp 210 lượt người, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở địa phương.

Nhờ học nghề, lao động nông thôn ở Long An đã biết áp dụng khoa học -  kỹ thuật vào trồng trọt, góp phần nâng cao năng suất, tăng thu nhập

Với những giải pháp đồng bộ, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cơ bản đạt chất lượng, hiệu quả, bám sát được mục tiêu của Đề án 1956, đáp ứng nhu cầu người học, nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động, gắn với thế mạnh địa phương, với quy hoạch sản xuất và quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Tổng số lao động được đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh năm 2019 là 24.721 người (7.416 là lao động nữ); trong đó, trình độ cao đẳng 393 người, trung cấp 2.517 người, sơ cấp 5.775 người, thường xuyên dưới 3 tháng 11.495 người và học nghề theo Đề án 1956 là 4.541 (lao động nữ 2.404 người). Kết quả đào tạo nghề theo Đề án 1956 đạt 105,09% so với kế hoạch (4.541/4.321 chỉ tiêu năm 2019). Trong đó, số học xong là 4.482 người, số có việc làm sau đào tạo là 4.404 người, đạt 96,98% so với tổng số lao động nông thôn tham gia học nghề.  Đa số học viên sau học nghề đã tự tạo việc làm, áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất, nuôi trồng đạt năng suất, chất lượng cao hơn, được doanh nghiệp, hợp tác xã giao hàng gia công tại hộ gia đình hoặc tuyển dụng vào làm việc…, có thu nhập ổn định cuộc sống, góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ở nông thôn. Tỉnh cũng đặt kế hoạch năm 2020 sẽ đào tạo nghề cho trên 4.000 lao động nông thôn, trong đó bảo đảm 80% học viên sau khi tốt nghiệp có việc làm.

Những nghề có thế mạnh và đáp ứng nhu cầu sản xuất luôn được ưu tiên trong hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn ở Long An

Tuy nhiên, việc huy động lao động lao động nông thôn học nghề và duy trì số người học ở Long An hiện nay còn gặp khó khăn. Một số nghề đào tạo ở một vài địa phương chưa sát hợp với nhu cầu và điều kiện của người học, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, hiện các huyện ở Long An chủ yếu phát triển lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, dịch vụ ít nên nhu cầu sử dụng lao động các nghề phi nông nghiệp không nhiều, vì vậy địa phương khó triển khai đào tạo các nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn để chuyển đổi cơ cấu lao động sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn các cấp tỉnh Long An, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và tổ chức đoàn thể các cấp sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên tích cực tham gia thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn với nhiều hình thức phù hợp; lồng ghép chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các chương trình khác để đạt hiệu quả; phối hợp tham gia kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Đề án.

Tỉnh xác định UBND cấp huyện là cấp lập kế hoạch, tổ chức triển khai trực tiếp, chủ yếu Đề án 1956; tăng cường vai trò của cấp xã là cấp cơ sở thực hiện Đề án; Tập trung đào tạo cán bộ công chức cấp xã đảm bảo chất lượng và hiệu quả, không chạy theo số lượng. Nhân rộng các mô hình dạy nghề có hiệu quả. Ưu tiên, tập trung đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn đáp ứng yêu cầu lao động của các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu lao động và chuyển nghề; đào tạo nghề cho bộ phận nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp để thực hành sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại.

Rà soát chương trình đào tạo nghề, chỉnh lý, biên soạn bổ sung chương trình, giáo trình cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh; xây dựng định mức chi phí từng nghề cụ thể, đảm bảo các nghề phù hợp với quy hoạch phát triển nông thôn và yêu cầu tái cấu trúc sản xuất, tái cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, UBND và các tổ chức đoàn thể xã, phường, thị trấn và các cơ sở dạy nghề trong việc triển khai các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo./.

Trần Thị Mỹ Hạnh

 

TAG: dạy nghề cho lao động nông thôn tỉnh Long An Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Tin khác
Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) trao nhiều suất học bổng 100% cho những học sinh tài năng
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức tọa đàm “AI - Công cụ sáng tạo cho trường Đại học & Doanh nghiệp
Nhiều giải pháp đồng bộ thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp ở Trà Vinh
Những hạn chế trong định hướng nghề nghiệp tại nhà trường
Học viện Kỹ thuật quân sự tuyên truyền tuyển sinh trên 800 học sinh tại Đồng Nai
Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển giáo dục nghề nghiệp
467 học viên trung cấp chính quy hoàn thành huấn luyện đầu khóa
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đạt giải Nhì tại cuộc thi Sáng tạo IoT – NTTU 2024
Tăng cường sự tham gia của Phụ nữ, người khuyết tật và hoà nhập cộng đồng trong GDNN lĩnh vực Logistic