Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Một số kiến nghị đề xuất về công tác người có công ở Quảng Ngãi
03:22 PM 12/09/2019
(LĐXH) - Trong 5 năm qua, việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công và phong trào Đền ơn đáp nghĩa ở Quảng Ngãi đạt được nhiều kết quả tốt, thể hiện sự tri ân đối với các liệt sĩ, gia đình liệt sĩ và người có công, góp phần cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công.
Quảng Ngãi luôn chủ động trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người có công với cách mạng
Đến nay, toàn tỉnh có trên 90% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công. Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác này, Quảng Ngãi có một số kiến nghị đề xuất, cụ thể là:
  1. 1.     Thủ tục hồ sơ xác nhận, công nhận người có công với cách mạng
Việc quy định xác nhận thương binh, liệt sĩ, người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét và cho thực hiện xác lập hồ sơ theo hướng có hai người xác nhận, kèm theo quá trình tham gia cách mạng của nhân chứng xác nhận để kiểm tra, đối chiếu với quá trình tham gia cách mạng của người xác lập hồ sơ. Trường hợp không còn người xác nhận thì tiến hành xác minh, Hội đồng xác nhận người có công cấp cơ sở và Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc xác nhận đối tượng.
2. Giải quyết hồ sơ đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học
Đề nghị các cơ quan hữu quan nghiên cứu, xem xét xây dựng chính sách, quy định trên cơ sở: người nào đã trực tiếp tham gia chiến trường tại vùng Mỹ đã sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh ở Việt Nam, hiện nay bị mắc bệnh thì được giải quyết hưởng trợ cấp ưu đãi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học.
3. Mức trợ cấp và hỗ trợ cải thiện nhà ở
- Hiện nay, quy định mức trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, chế độ điều dưỡng phục hồi sức khoẻ đối với người có công, trợ cấp một lần đối với người hoạt động kháng chiến, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, trợ cấp ưu đãi đối với con của người có công khi đi học tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường dự bị đại học, trường năng khiếu, trường lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học... còn thấp. Đề nghị cơ quan trung ương quan tâm nâng mức trợ cấp này, đồng thời nên quy định mức trợ cấp này trên hệ số tiền lương cơ sở hoặc mức chuẩn trợ cấp người có công để khi Chính phủ điều chỉnh tiền lương cơ sở hoặc mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công thì các mức trợ cấp nêu trên được kịp thời điều chỉnh tương ứng cho phù hợp.
- Quy định mức kinh phí hỗ trợ người có công xây dựng mới nhà ở 40 triệu đồng/nhà và sửa chữa 20 triệu đồng/nhà là quá thấp. Đề nghị Chính phủ nâng mức hỗ trợ xây mới lên ít nhất là 70 triệu đồng/nhà, sửa chữa là 40 triệu đồng/nhà để phù hợp với giá cả hiện nay.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu cho giám định, xác định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với người bị thương được Hội đồng giám định Y khoa cấp có thẩm quyền giám định kết luận tỷ thương tật dưới 21% để họ có cơ hội nâng tỷ lệ lên từ 21% trở lên và được hưởng trợ cấp hàng tháng. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức sống đối với người có công để các địa phương làm cơ sở áp dụng thực hiện. Tiếp đó nên phân cấp cho UBND cấp huyện, thành phố ký quyết định giải quyết các chế độ trợ cấp như: mai táng phí, trợ cấp một lần khi người có công từ trần; điều dưỡng phục hồi sức khoẻ; phương tiện trợ giúp dụng cụ chỉnh hình; ưu đãi học sinh, sinh viên và chế độ bảo hiểm y tế cho các đối tượng và thân nhân.
- Đề nghị Chính phủ xem xét giải quyết cho thương binh đồng thời là bệnh binh hoặc công nhân viên chức nghỉ mất sức lao động được hưởng cả hai chế độ trợ cấp ưu đãi (không phụ thuộc vào thời gian tham gia phục vụ công tác và khám giám định bệnh tật). Xem xét giải quyết hưởng trợ cấp hàng tháng đối với người được khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến với mức khen Huân chương (diện cán bộ), vì thực tế trong suốt thời kháng chiến họ tham gia làm công tác ở cấp thôn, cấp xã, sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975) họ về gia đình, không tiếp tục công tác và cũng không thoát ly.
NHB
 
TAG: NCC; quảng Ngãi
Tin khác
TP.HCM: Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH
Hành trình 17 năm gieo niềm vui đến trẻ em khó khăn của Quỹ Sữa Vươn cao Việt Nam
 Khởi động giải  Chạy vì Giáo dục mùa 2 với chủ đề “Rút ngắn khoảng cách bất bình đẳng trong giáo dục”
Huyện Hương Sơn: Chú trọng thực hiện chính sách ưu đãi người có công
Nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa trên quê hương Thạch Hà
Thành phố Thủ Đức ra quân vận động người dân tham gia BHXH, BHYT
Huyện Quản Bạ - điểm sáng trong giảm nghèo bền vững ở Hà Giang
Hà Nội: Đặc biệt quan tâm đến các đối tượng bảo trợ xã hội
Điểm sáng từ các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo ở Thị xã Ngã Năm